Đình Bát Tràng nằm ở làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, xưa kia làng Bát Tràng có tên là Bạch Thổ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Đây là một ngôi đình cổ nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa, là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Bát Tràng, nơi thờ phụng thờ những vị thần có công trong việc bảo vệ đất nước và dân làng.
Xã Bát Tràng được xem là “địa linh nhân kiệt”, làng văn hóa, làng văn học, làng khoa bảng và là làng quê nổi tiếng về nghề gốm có truyền thống lâu đời, một làng thủ công cổ truyền, chuyên làm gạch, làm gốm, từng nổi tiếng trong sử sách đầu Lê, có thể đã xuất hiện từ thời Lý – Trần. Làng Bát Tràng được gắn liền với câu ca dao dân ca:
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…
Đình thờ 6 vị thần có công với dân, với nước làm Thành hoàng làng là các vị thần: Bạch Mã đại vương, Lưu Thiên Tử đại vương, Trang Thuận Nghi Dung Lã Thánh Mẫu, Hộ Quốc đại vương, Phan Đại Tướng đại vương và Cai Minh Tự đại vương.
Trước mặt đình là ven mạn sông Hồng, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km. Do đó có thể di chuyển bằng đường thủy đi từ bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen mất khoảng 30p để tới đình làng Bát Tràng. Nếu đi đường bộ phải đi qua cầu Long Biên hoặc cầu Chương Dương dọc theo đê sông Hồng khoảng 15km, cũng có thể đi qua đường Quốc lộ 5 rẽ vào.
Căn cứ vào hệ thống sắc phong được giữ tại đình Bát Tràng và các bài minh văn trên chuông, trong đó có một mặt của chuông đồng ở đình Bát Tràng có đề chữ Nôm là Bát có ghi:
“Ngược sóng Hồng Hà
Dựng phường Bạch Thổ
Mở mang gạch ngói nghề xưa
Theo đuổi bút nghiên nếp cũ
Ơn Thành hoàng sáu vị chở che
Đời dân chúng một vùng trù phú”. 1
Đây là bài minh văn được khắc trên chuông là sử liệu quan trọng nói về các vị thần được thờ trong đình.
Long Đỗ hay Long Độ, còn được gọi là thần Bạch Mã, là vị Thành hoàng đất Thăng Long. Theo cuốn sách Việt điện u linh tập biết rằng ngày xưa, Cao Vương đắp thành Đại La, một ngày vua đi bộ dạo chơi đến cửa Đông, bỗng chốc thấy mây mù nổi lên tứ phía; trong đám mù, có một chòm mây năm sắc từ mặt đất ùn lên, tia sáng bắn lên sao Đẩu chói lóa cả mắt, khí lạnh buốt người. Trong chòm mây ngũ sắc, có một người Tiên cưỡi rồng vàng, đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất.
Đến đêm vua ngủ mộng thấy một người y như quang cảnh ban ngày đã thấy, đến trước cáo với vua là Long Độ Vương Khí Quân. Vua nghe theo các quan lại lập đền thờ trấn yểm, nhưng đột nhiên gió mưa ào đến làm cho bay cát đổ cây, sập nhà lở đất, tất cả bị nghiền tan ra như tro bụi, Cao Vương nổi giận về bắc.
Đến thời Lý Thái Tổ đến đóng đô ở chỗ ấy, sửa sang mở rộng chợ Đông buôn bán tấp nập ngay cạnh đền thờ. Đến đêm, thần lập tức hiển linh, mưa gió bấc nổi lên, cây gãy nhà sập, duy chỉ một tòa đền thần y nhiên đứng sững như cũ.
Từ đó ông được tôn làm vị thần Đại vương, thần hoàng làng, và dân làng đã thờ ông tại Đình Bát Tràng.
Tên thật là Lưu Cơ (chữ Hán là 劉基, 740-1013) là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp nước đánh dẹp loạn 12 sứ quân thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam, đồng thời là người cai quản Hoàng thành Thăng Long. Ông cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Trịnh Tú là Tứ trụ cột của triều nhà Đinh giúp vua Đinh dẹp sứ quân, thống nhất đất nước.
Ông được suy tôn là Lưu Thiên tử Đại vương thờ là Thành Hoàng làng nghề gốm sứ Bát Tràng.
Theo truyền thuyết ngày xưa đến mùa nước lên có người đi câu cá, thấy một bộ khám trôi dạt vào bờ, đẩy mãi không ra nên đưa về thờ lấy mỹ tự là “Trung Thuận Nghi Dung”. Từ đó ngài có linh ứng với dân làng Bát Tràng, giúp dân phù trợ, nên được các triều đại phong kiến công nhận và ban sắc phong tặng.
Hiện chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào cho biết cụ thể tên và sự nghiệp của ông, theo như dân địa phương truyền lại, Ông là người giúp nước dẹp giặc và đã bị giặc chém đứt đầu khi đang giao chiến, sau đó ông chắp đầu lại chạy đến làng Bát Tràng, sau đó hy sinh. Dân làng đã lập thờ Ông trong đình Bát Tràng để tưởng nhớ đến ông.
Ngài có tên là Phan Chính Nghị ở xã Phan Xá, huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân) tỉnh Nghệ An. Vào thời Lê Tương Dực là vị vua thứ 9 của Triều Lê sơ nước Đại Việt, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Tân Mùi niên hiên Thuận 3 (1511) khi đó ông 36 tuổi. Sau đó ông được lên chức Đô Ngự Sử (đây là cơ quan có đặc quyền được hặc tấu tất cả mọi việc, có ý nghĩa can gián những việc được xem là không đúng hoặc chưa tốt của vua và quan lại). Nhưng sau khi bị nhà Mạc chiếm ngôi, ông bị bắt và khi bị giải về đến khúc sông Bát Tràng ông đã nhảy sông tự vẫn, sau khi ông mất dân làng đã thờ ông làm Thành Hoàng làng.
Theo dân địa phương cho rằng khi xưa ngài là vị quan cao trong triều có công giúp dân giúp nước, ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Hưng Trị 2 (1589) đời Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, ông làm quan nhà Lê đến chức Tham Chính.
Theo một số sử sách ghi chép lại thì đình Bát Tràng được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, tư liệu ở đình Bát Tràng được lưu giữ trên thân một quả chuông Tây Sơn, trên bề mặt chuông có khắc bản chữ hán có tên “Tạo Đình Ký” nội dung trong đó có khắc bài thơ:
Xưa kia mộc mạc mao từ
Nay thời ngói lợp chu vi trang hoàng
Xưa kia tre trúc tầm thường
Nay thời tứ thiết vững vàng biết bao
Bát Tràng có mái đình cong.2
Ta thấy ban đầu đình Bát Tràng chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ được dựng bằng tre trúc ở ngoài bãi sông Hồng, tới năm (1720) đời Lê Dụ Tông đình được trùng tu trên nền của ngôi đình cũ, tu sửa lại khang trang hơn.
Câu đối ở đình làng có nhắc đến hai tên Bồ Bát là Bồ Xuyên và Bạch Bát:
Bồ di thủ nghệ khai đinh vũ
Lan nhiệt tâm lương bái thánh thần.
(Từ làng Bồ mang nghề ra xây đình miếu
Lòng thành dâng hương lên các thánh thần).
Ngay từ thời đại Lý-Trần, một số dòng họ đã từ Thanh Hóa, rồi chủ yếu là dân hai làng Bồ Xuyên, Bạch Bát ở Ninh Bình tối đây lập phường sản xuất và sau đó lập ra đình miếu, đây là tư liệu được Vũ Ngọc Khánh biên soạn trong cuốn 36 Danh Tướng Thăng Long Hà Nội (Nxb Thanh Niên 2010).
Cho đến ngày nay nhờ sự đóng góp của nhân dân và khách thập phương ngôi chùa đã được tu bổ lại theo lối kiến trúc cổ truyền với quy mô bề thế khang trang hơn.
Đình Bát Tràng hiện nay nằm bên cạnh sông Hồng, mặt quay ra hướng sông, sau lưng là dân làng, những kiến trúc gồm: Nghi môn, sân đình, tả mạc, hữu mạc, đình chính, xây theo kiểu chữ nhị.
Cổng đình hiện nay được tu sửa lại được kết cấu theo dạng cột trụ và tường bao tạo thành, có 3 cổng ra vào, 1 cổng chính ở giữa, hai bên là hai cổng phụ, 3 cổng này được liên kết với nhau bằng tường bao.
Cổng chính ở giữa khác với cổng hai mái thường thấy, ở đình Bát Tràng thì cổng chính được tạo bằng hai cột trụ cao khoảng 4m, không có cửa đóng và không có mái tạo không gian mở. Mỗi cột trụ vuông có 4 mặt, ở thân trụ mỗi mặt có khắc nổi những chữ hán, phần đầu của cột trụ có kiến trúc trụ biểu hình lồng đèn, phần lồng đèn được trang trí hoa văn (long, ly, quy, phượng hoa lá). Đỉnh của hai cột trụ có gắn hình con nghê quay mặt vào nhau, đầu hơi chúc xuống, hông hướng lên trời và đuôi vểnh cụp vào thân.
Ngăn cách giữa cổng chính với hai cổng phụ hai bên là bức tường lửng dài khoảng 1m xây nối giữa cột trụ chính với cổng phụ. Cổng phụ có chiều cao khoảng hơn 2m, lối ra vào hình vòm cung, có 2 tầng mái, các tầng mái được tạo mái giả bằng xi măng, nóc mái tầng trên cùng ở giữa được gắn hình mặt nhật, các góc mái gắn hình rồng uốn cong lên trời.
Bức tường lửng ngăn cách giữa cổng chính và cổng phụ ở bên phải được chạm nổi bức phù điêu hình rồng phun nước, mây, tô sơn màu. Còn bức tường lửng bên trái có bức phù điêu là chạm nổi hình hổ (chúa sơn lâm).
Mặt sân đình cao hơn mặt đường khoảng 40 phân, vì vậy từ cổng đình phải bước lên 3 bậc thì mới đến sân đình, khoảng ân đình rộng được lát gạch bát tràng.
Nhà Đại đình được xây trên nền cao hơn nền sân gạch 60cm, có 3 bậc từ dưới sân bước lên, hai bên thành bậc có đặt hình con Rồng ngậm ngọc làm bằng đá. Nhà gồm 5 gian, 2 chái, 3 gian ở giữa làm kiểu bức bàn thượng song hạ bản, còn các gia còn lại làm cửa bức bàn lửng ván bưng, mỗi gian gồm 4 cánh cửa gấp.
Trên cửa chính bước vào tòa Đại đình treo bức Hoành phi với bốn chữ “Bạch thổ danh”, bên trong nhà gồm những cột cái và cột quân là các cột trụ chống đỡ cho tòa nhà, được làm bằng gỗ lim, dưới chân cột là tảng đá tròn, dưới là tảng hình vuông. Phần trên nóc có kết cấu “thượng giá chiêng, hạ cốn bẩy”, các đầu dư chạm rồng, các bẩy hiên có chạm rồng và hoa lá.
Gian giữa nhà Đại đình có nền cao hơn mặt sàn nhà khoảng 1.1m, đặt hương án thờ Công đồng, hai bên hương án là đôi câu đối ghi dấu gốc tích con dân làng Bát: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ -Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”, bên trên treo hai bức đại tự sơn son thếp vàng lớn: “Thiên địa hợp kì đức”, trên đó có các đồ thờ như bát hương đá, lọ lục bình, các bộ chóe thờ, bộ phù việt. Bên trên được trang trí cửa võng, trên cửa võng là được treo bức hoành phi.
Trên mái nhà lợp ngói mũi hài, bờ nóc chạy dài suốt ngôi nhà được trang trí hàng hoa thị, ở 4 đầu đao có gắn hình rồng vươn mình lên trời và uốn cong quay đầu vào nóc mái. Hai bên đầu đốc là gắn tượng Rồng miệng ngậm ngọc, ở dải ngang có gắn tượng nghê tạo nên vẻ uy nghiêm của ngôi đình.
Phía sau Đại đình được nối liền với Hậu cung, đây là nơi thờ 6 vị thánh thần được được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng, hậu cung là dãy nhà ngang 5 gian xây hồi bít đốc, xây ở phía sau nhà Đại đình, mái lợp ngói ta, nền của Hậu cung lại cao hơn so với nhà Đại đình 80cm. Ở 3 gian giữa xây bệ gạch cao khoảng 60 phân để đặt long ngai thờ các vị Thành Hoàng, trong hậu cung có lưu giữ được cỗ ngai, khám, 3 cửa võng.
Ở bên trái và bên phải trước Đình chính là hai dãy toà Tả mạc và Hữu mạc, nền nhà hai tòa cao hơn nền sân, gồm 3 gian xây đầu hồi bít đốc, giữa 3 gian được ngăn cách bởi các cột cái bằng gỗ, các cột bằng gạch làm trụ cho tòa nhà, trên thân các cột có khắc nổi hoa văn hoa lá.
Trên bộ khung đỡ mái nhà của hai tòa đều có trang trí hoa văn thực vật và hình rồng.
埔移手藝開亭宇
蘭熱心香拜聖神
Phiên âm:
Bồ di thủ nghệ khai đình vũ
Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần
Dịch nghĩa:
Đem nghề từ làng Bồ ra khởi dựng đình miếu
Lòng thành như hương lan cúng tạ thánh thần.
兩界交爭圖畫入
重門煙月太平開
Phiên âm:
Lưỡng giới giao tranh đồ họa nhập
Trùng môn yên nguyệt thái bình khai.
Dịch nghĩa:
Gianh giới giữa hai nơi đẹp như tranh vẽ
Cửa từng lớp, khói che mặt trăng, mở ra một thời thái bình, thịnh trị.
五行秀氣煄英傑
萬丈文光表吉祥
Phiên âm:
Ngũ hành tú khí chung anh kiệt
Vạn trượng văn quang biểu cát tường
Dịch nghĩa:
Nơi tụ hội khí thiêng hun đúc nên những bậc anh hùng hào kiệt
Ánh sáng văn hóa tỏa xa vạn dặm biểu hiện sự cát tường.
Khi xưa lễ hội Bát Tràng được tổ chức từ ngày mùng 7 đến ngày 14 tháng 2 âm lịch.
Ngày mùng 7 là lễ rước nước, vào sáng mùng 7 dân làng dùng thuyền chở một chum Bát Tràng do dân làng mình làm ra, khi đến đoạn giữa dòng sông Nhị, một người trong nhà họ Nguyễn Ninh Tràng dùng gáo múc nước đổ vào chum và sẽ dùng nước này để tắm các bài vị.
Mùng 8 rước thần, mung 9 hát thờ, mung 10 tế thần, ngày 11 và ngày 12 là lễ khao vách tả, vách hữu, ngày 13 khao kỳ anh, ngày 14 rước thần về miếu.
Ngày nay lễ hội được rút gọn hơn nên ngày tổ chức chính là vào ngày 15/2 với nghi lễ đơn giản hơn.
Tại lễ hội Bát Tràng còn có trò chơi thú vị, trò chơi cờ người và hát thờ, trước ngày hội, làng chọn lấy 2 bà tướng cờ là những người phẩm hạnh, giàu có nhất trong làng. Mỗi bà tướng nhận 16 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 15 xinh đẹp, nết na nuôi ăn uống và may cho áo quần thật đẹp. Các cô được rèn tập làm quân cờ trong một tháng mới được ra biểu diễn thi đấu ở sân đình.
Còn về hát thờ thì làng tổ chức 3 chầu thi và 4 chầu cầm để chọn bài và người vào hát thờ, sau đó mời các đội đàn hát ở các làng xung quanh đến tập để kén giọng. Đội nào vượt lên nhất qua “4 chầu cầm” sẽ được hát thờ trong lễ hội năm đó.
Hội đình Bát Tràng thu hút nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch từ mọi nơi đến tham dự, vì vậy đây cũng là dịp thuận lợi để dân làng có thể trưng bày sản phẩm Gốm Bát Tràng nổi tiếng của làng mình đến với du khách khi đến tham quan.
Hiện đình Bát Tràng hiện còn lưu giữ một chuông đồng Tây Sơn, bề mặt chuông phủ một lớp màu xanh gỉ đồng, kích thước khá lớn.
Phần quai chuông được khắc thành hình rồng, đây là phần gắn liền với thân chuông để móc treo vào khung chuông, thân chuông được chia làm 4 mặt, mỗi mặt được ngăn cách bởi đường kẻ khung vuông đường chỉ nổi (gân chuông).
Mỗi khung gồm 5 đường gân chuông, mỗi mặt chuông được khắc những dòng chữ Hán, các góc trong khung đều được khắc nổi hoa văn hoa lá.
Ngoài ra hiện đình còn giữ được các cửa võng, bức hoành phi, hai đôi câu đối cổ nền gấm, cỗ kiệu long đình, kiệu bát cống, long ngai, bài vị mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Đặc biệt có nhiều bức đạo sắc phong có niên đại thời Lê và thời Nguyễn.
Tất cả những di vật này mang ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử và góp phần tư liệu để tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử thời xưa.
Năm 2002 đình Bát Tràng đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.
Đình Bát Tràng là di tích được nằm trên vùng làng Khoa bảng có nhiều người tài giỏi và là làng nghề gốm truyền thống nổi tiếng, được đông đảo các du khách thập phương trong và ngoài nước đến tham quan du lịch.
ghi chú
1. Minh văn trên chuông Đình do giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu soạn, tặng dân làng năm 1999, khắc trên chuông đồng của đình Bát Tràng.
2. Giang Quân, Thăng Long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ – 5 (in lần thứ 2), phần 4 – Ca dao, Nxb Hà Nội, 2002. Stt 282.
Nguồn trích dẫn: https://chonthieng.com/